2024-07-16 16:10:12
5 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tiêm chủng hầu hết vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng chưa đạt tiến độ, trong đó vaccine "5 trong 1" có thành phần bạch hầu và ho gà chỉ đạt 36,8%.
Thông tin được Bộ Y tế nêu trong Kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2025 vừa được ban hành. Theo đó, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ tiêm chủng hầu hết vaccine chưa đạt tiến độ.
Cụ thể, chỉ tiêu đặt ra đối với 11 loại vaccine trong năm nay là đạt tỷ lệ tiêm từ trên 90%. Song hiện chỉ có ba vaccine: Lao, sởi và DPT (bạch hầu - ho gà -uốn ván) đạt tiến độ với tỷ lệ tiêm chủng từ 39% đến 40% trở lên, trong 6 tháng đầu năm.
Riêng, tỷ lệ tiêm vaccine "5 trong 1" có thành phần bạch hầu và ho gà (DPT- DPT-VGB-Hib 3) cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi chỉ đạt 36,8%. Tương tự, tỷ lệ tiêm các vaccine còn lại như phòng viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu, vaccine viêm não, vaccine sởi - rubella... chỉ từ 26% đến 36%.
Bộ Y tế không nêu nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm chủng thấp, song trên thực tế, tình trạng thiếu vaccine diễn ra nhiều nơi trong thời gian qua. Mặt khác, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cho biết trong những năm đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng chung giảm thấp chỉ gần 80%, một số nơi thấp hơn.
Việc gián đoạn cung ứng vaccine kéo dài có thể khiến trẻ nhỏ không được tiêm chủng đầy đủ, nguy cơ mắc bệnh rất cao. Một khi cộng đồng không được cung ứng vaccine đầy đủ, tỷ lệ tiêm chủng vaccine sẽ giảm xuống, có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh.
Trước tình hình trên, trong tháng 4, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị cấp kinh phí thực hiện chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2024, đồng thời dự trữ trong 6 tháng năm 2025. Đến tháng 6, Bộ Tài chính có Tờ trình Chính phủ về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Bộ Y tế để thực hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng. Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến của thành viên Chính phủ về thông qua đề xuất của Bộ Tài chính.
Như vậy, hiện Bộ Y tế chưa được giao dự toán mua vaccine, nên Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương chưa thể mua các loại vaccine theo số lượng đã được Bộ Y tế phê duyệt cho kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2024.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu vaccine thời gian tới, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hiện tiến hành các thủ tục mua sắm, đấu thầu vaccine viêm gan B và vaccine phòng uốn ván để sử dụng trong 3 tháng tới. Trong khi đó, các tỉnh, thành phố sẽ triển khai tiêm chủng bằng nguồn vaccine được mua theo kế hoạch năm 2023 (mua gối đầu 6 tháng năm 2024) và vaccine viện trợ.
Kế hoạch 2025, Bộ Y tế đặt mục tiêu cung ứng đầy đủ vaccine và triển khai vaccine mới trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Bộ cũng phấn đấu trong năm 2025, không có ca virus bại liệt hoang dại, 100% huyện đạt tiêu chuẩn loại trừ uốn ván sơ sinh, tỷ lệ mắc sởi dưới 5/100.000 người; tỷ lệ mắc bạch hầu dưới 0,1/100.000 người...
Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai tại Việt Nam từ năm 1981, do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc. Chương trình có mục tiêu ban đầu là tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới một tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao.
Từ năm 1985, toàn bộ trẻ em dưới một tuổi trên toàn quốc đã được tiếp cận với Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đến năm 2010, có 11 vaccine phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào Chương trình gồm vaccine phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.